COVID – 19 BÙNG PHÁT TRỞ LẠI VÀ DỰ ĐOÁN VỀ TƯƠNG LAI

Covid-19 bùng phát trở lại và những dự đoán về tương lai

28 tháng 09, 2020

Dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam với số ca nhiễm mới liên tục tăng cùng các ca tử vong sau một thời gian ổn định khiến không ít người dân hoang mang. Thế nhưng, đây lại là những điều đã được các chuyên gia y tế toàn cầu dự báo từ trước, ít nhất là cho đến khi thế giới tìm ra vaccine ngăn chặn đại dịch này. Để có sự chủ động hơn, hãy cùng Jio Health tìm hiểu kịch bản có thể xảy ra của những đợt lây nhiễm trong tương lai, đồng thời, cùng cập nhật về sự phát triển của lộ trình điều chế vaccine Covid-19 trên thế giới.

1. Tình hình dịch bệnh Covid-19 toàn thế giới và nước ta

Tính đến đầu tháng 08/2020, toàn thế giới đã có gần 20 triệu người nhiễm Covid-19, trong đó con số tử vong được ghi nhận là hơn 700.000 người. Các quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất là Hoa Kỳ, Brazil và Ấn Độ.

Tại nước ta, tình hình dịch bệnh Covid-19 tuy đã được kiểm soát từ cuối tháng 4 nhờ vào sự truy vết quyết liệt người nhiễm, xét nghiệm nhanh trong cộng đồng, cùng chính sách giãn cách xã hội hợp lý và đúng thời điểm. Nhưng đến ngày 26/7/2020, ca bệnh mới trong cộng đồng được ghi nhận tại Đà Nẵng đã dấy lên làn sóng Covid-19 thứ hai. Đáng lưu ý, chủng Coronavirus ghi nhận hiện nay tại Đà Nẵng được các chuyên gia nhận định “Tuy độc lực không đổi nhưng chủng virus mới này lại có tốc độ lây nhiễm nhanh đến gấp 3 lần”, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam.

Sau gần 100 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, sự kiện tái bùng phát của Covid-19 vào cuối tháng 7 vừa qua là điều có thể lý giải khi tình hình dịch trên thế giới vẫn chưa thực sự được kiểm soát. Như chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chúng ta thắng trận đầu, nhưng như một vùng trũng thấp muốn yên bình phải có đê bao thật chắc vì xung quanh các ruộng khác mưa vẫn rất to, chắc chắn rò rỉ”. Đã đến lúc mỗi người dẫn chúng ta cần nắm rõ về tình hình Covid-19 cũng như xây dựng “đê bao” sức khỏe bảo vệ cho bản thân và gia đình.

Theo các chuyên gia y tế thế giới, dịch sẽ phát triển theo từng làn sóng và Covid-19 kết thúc sẽ chỉ thật sự kết thúc khi y học tìm ra được phương pháp đẩy lùi dịch triệt để bằng vaccine và miễn dịch cộng đồng.

2. Những kịch bản về các làn sóng diễn tiến của dịch bệnh Covid-19

Trong một phân tích gần đây từ Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota được dẫn lại bởi tờ The New York Times cho biết: thực tế, chúng ta vẫn chưa thể biết được tương lai của dịch bệnh Covid-19 sẽ xảy ra như thế nào. Đại dịch có thể kéo dài thêm vài tháng hoặc lâu hơn nữa. Tuy nhiên, có một điều chúng ta có thể dự đoán được. Đó là quỹ đạo chuyển biến của dịch sẽ diễn ra như những làn sóng.

Theo các chuyên gia, có 3 kịch bản làn sóng lây nhiễm có thể xảy ra trong khoảng thời gian dự kiến từ năm 2020 – 2022 cho đến lúc tìm được giải pháp triệt để cho dịch Covid-19.

Kịch bản thứ nhất: Đỉnh và thung lũng

Kịch bản dịch Covid-19 thứ nhất: Đỉnh và thung lũng
Kịch bản dịch Covid-19 thứ nhất: Đỉnh và thung lũng (Nguồn: The New York Times)

Theo kịch bản này, Covid-19 sẽ liên tục trải qua các thời kỳ bùng phát với số lượng ca nhiễm tăng cao đột biến, sau đó giảm dần và duy trì ở vùng trũng khi dịch được kiểm soát một cách ổn định. Ngoài ra, dịch sẽ bùng phát khoảng 2-3 lần trong một năm và cứ sau 4-6 tháng dịch được kiểm soát thì sẽ trở lại giai đoạn “đỉnh điểm”.

Trong khoảng thời gian từ 2020 – 2022, các đỉnh sóng của những năm sau sẽ giảm nhẹ hơn năm trước tuy không quá rõ nét.

Kịch bản thứ 2: Mùa Thu đỉnh điểm

Kịch bản dịch Covid-19 thứ 2: Mùa Thu đỉnh điểm
Kịch bản dịch Covid-19 thứ 2: Mùa Thu đỉnh điểm (Nguồn: The New York Times)

Ở kịch bản thứ hai, dịch bệnh Covid-19 sẽ bùng phát quyết liệt nửa cuối năm, vào cuối hè đầu thu và lập đỉnh cao nhất vào khoảng tháng 10 năm 2020. Sau đó, đại dịch sẽ dần được kiểm soát nhưng vẫn tạo ra những đợt bùng phát nhỏ. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến đại dịch cúm Tây Ban Nha trong giai đoạn các năm 1918-1919.

Theo kịch bản này, dù có thể chưa tìm ra giải pháp ngăn chặn Coronavirus thì tình hình dịch vẫn có thể tự suy giảm theo chiều hướng tự nhiên khi miễn dịch cộng đồng được thiết lập và lan tỏa.

Kịch bản thứ 3: Cháy chậm

Kịch bản dịch Covid-19 thứ 3: Cháy chậm (Nguồn: The New York Times)

Khả năng thứ ba đưa ra dự đoán giống như những gì chúng ta đã trải qua vào mùa xuân vừa qua, giữa năm là đỉnh dịch. Kéo theo là những đợt dịch bùng phát nhỏ liên tục kéo dài đến 2022. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, đến hiện tại tình hình dịch vẫn dâng cao nên khá khó để xảy ra kịch bản này.

Qua ba kịch bản trên, chúng ta có thể nhận ra rằng những đợt giãn cách xã hội ngắn hạn thực sự không đủ để dập tắt hoàn toàn đại dịch Covid-19. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng chúng ta phải luôn trong tâm trạng đề phòng và lên sẵn các phương án chống dịch trong những năm sắp tới cho tới khi có vaccine hoặc miễn dịch cộng đồng được thiết lập thành công.

3. Thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 diện rộng ở Mỹ và miễn dịch cộng đồng ở Ấn Độ

Gần đây, Công ty công nghệ sinh Moderna hợp tác với NIAD (Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ) đã nghiên cứu và phát triển một lại vaccine có tên là mRNA-1273 nhằm ngăn chặn dịch Covid-19. Loại vaccine này đã được thử nghiệm trên người ở Mỹ và đang lên kế hoạch thử nghiệm trên diện rộng.

Moderna công bố những kết quả đáng mừng này sau đợt thử nghiệm đầu tiên trên 45 người tình nguyện khỏe mạnh. Người tham gia tiêm vaccine cho thấy họ có lượng kháng thể nhiều hơn bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục. Tuy nhiên, hơn một nửa người tham gia gặp phải các tác dụng phụ như mệt mỏi, đau đầu, đau cơ,… Sắp tới, vaccine sẽ được thử nghiệm trên 30.000 người và dự đoán sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm nay.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác vẫn đang tiến hành thực hiện các cuộc điều chế, thử nghiệm vaccine và đã thu về các tín hiệu khả quan như: Chuyên gia tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess (BIDMC) điều chế thành công loại vaccine Covid-19 chỉ cần tiêm một liều; hay Nga vừa mới cấp phép cho loại vaccine chống Covid-19 đầu tiên trên thế giới mang tên Sputnik-V… Có thể thấy, thế giới vẫn đang chờ đợi một phương án thật sự ưu việt để vượt qua đại dịch này.

Ngoài vaccine phòng dịch, tình hình miễn dịch cộng đồng tại Ấn Độ cũng rất được quan tâm và cũng tạo nhiều luồng tranh luận. Viện nghiên cứu Tata tại Ấn Độ đã công bố báo cáo vào ngày 31/7 cho thấy gần 60% dân cư tại các khu ổ chuột ở Mumbai có kháng thể nCoV trong máu, bước đầu đáp ứng tiêu chí miễn dịch cộng đồng.

Với sự phối hợp của chính quyền Mumbai, kết quả xét nghiệm huyết thanh được lấy từ 6.936 người dân ở ba khu ổ chuột ngoại ô thành phố. Tại đây, cứ 10 người thì có 6 người có kháng thể chống lại Covid-19.

Một số nhà khoa học cũng cho rằng khi nhiễm virus, cơ thể sẽ có khả năng miễn dịch phần nào trong ít nhất vài tháng, nên kết quả trên vẫn cần thời gian theo dõi và đánh giá kỹ lưỡng hơn, nhưng đây vẫn là điểm sáng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Nguồn : https://jiohealth.com/bao-chi/chi-tiet/covid-19-bung-phat-tro-lai-nhung-du-doan-ve-tuong-lai

Trả lời